Hương vị cà phê Moka đích thực, bạn đã kịp thử chưa?

Cà phê Moka đặc biệt thơm ngon nhưng ngày nay, để thưởng thức được hương vị nguyên chất của cà phê Moka quả thật là một điều khó khăn bởi nguồn nguyên liệu hết sức khan hiếm của nó.

Hàng năm, nước ta xuất khẩu trên một triệu tấn cà phê, phục vụ cho nhu cầu thưởng thức cà phê của hàng triệu người trên thế giới với rất nhiều giống cà phê ngon. Trong số đó, cà phê Moka được xếp vào loại hảo hạng nhất, với hương vị thơm ngon khác biệt.

Nhưng càng khác biệt, càng thơm ngon là vậy, người ta càng sử dụng tên gọi Moka để dán mác lên những loại cà phê khác, rồi bán với giá trên trời để lừa dối khách hàng. Thậm chí cả những thợ rang xay cà phê lâu năm khi được hỏi về hình thù chính xác của hạt cà phê Moka thì mỗi người sẽ nói một cách nhận diện khác nhau. Vậy thật sự, ngoại hình và hương vị của cà phê Moka đích thực là như thế nào?

Cà phê Moka là gì?

Moka là một loại cà phê thuộc dòng Bourbon Arabica, được người Pháp mang đến trồng ở Đà Lạt, Lâm Đồng từ những năm 30 của thế kỉ XIX. Đây được đánh giá là giống cà phê khó trồng nhất, lại dễ bị sâu bệnh nên cho năng suất khá thấp, đòi hỏi điều kiện môi trường đặc thù lẫn công chăm sóc rất kĩ càng, nên ngay cả ở Buôn Ma Thuột, thủ phủ của cà phê Việt Nam cũng không thể trồng được.

Cây cà phê Moka sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở độ cao từ 1500m, càng lên cao, cộng với điều kiện thổ nhưỡng, canh tác phù hợp thì hương vị và chất lượng của Moka càng tuyệt hảo. Vì vậy ở Việt Nam, thành phố Đà Lạt, với độ cao 1600m, là nơi cho ra hạt cà phê Moka thơm ngon nhất.

Để nói về sự quý hiếm của giống cà phê hảo hạng này, thì ngay tại xứ sở của Moka, Đà Lạt, những cây cà phê Moka còn sót lại chủ yếu lẫn trong các vườn trồng Catimor đại trà với số lượng cực ít. Hạt cà phê Moka thường được thu hoạch lẫn cùng những hạt Catimor bởi cùng là Arabica nên ngoại hình của chúng khá giống nhau. Tuy nhiên, so với Moka là giống cà phê thuần chủng của chi Arabica thì Catimor là giống đã được lai tạo với Robusta, với năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt nhưng hương vị lại kém xa Moka. Vì vậy, bằng mắt thường cũng ít ai phân biệt nổi và khi uống cà phê Moka, cũng rất khó để thưởng thức được hương vị nguyên bản không chút pha tạp nào.

Sự khác biệt của cà phê Moka

Nhiều người sành về cà phê cũng quyết tìm mua và thưởng thức được cà phê Moka, cùng lúc đó nhiều người bán cũng quả quyết loại cà phê mình bán chính là Moka đích thực. Sự khẳng định bừa bãi này đã ít nhiều gây tai tiếng cho hạt cà phê nổi tiếng này, để rồi nhiều người mỉa mai sự “thật giả lẫn lộn” này bằng cách nói lái MOKA thành MACÔ.

Thế nhưng, thực tế thì hạt cà phê Moka mỗi vùng trên thế giới có thể to nhỏ, tròn méo rất khác nhau. Trong một cây cà phê có rất nhiều trái, do tác động của thổ nhưỡng, thời tiết, chăm bón, thu hái và sơ chế, bảo quản cà phê nhân… cũng có thể làm thay đổi hình thu đặc trưng của hạt Moka.

Để phân biệt được chính xác hạt cà phê Moka có 2 cách sau:

– Phân biệt từ nguồn trước khi sơ chế nhân: tức phân biệt từ cây Moka, trái Moka tươi trước cả khi sơ chế, so sánh với các cây cà phê thuộc Arabica khác như cây Catimor, cây Caturra, cây Bourbon bởi sự khác biệt về hình thù của chúng sẽ rõ nét hơn so sánh giữa các hạt cà phê nhân.

– Cup test: nếm hương vị để kiểm tra. Vì thuộc dòng cà phê Arabica nên Moka có vị đắng dịu nhẹ hơn Robusta do chứa ít caffeine hơn, đồng thời cũng chua thanh và thơm ngọt như trái cây chín. Mùi thơm của Moka quyết rũ, thanh nhẹ như mùi quế, mùi đất ẩm hay ngũ cốc nhưng không quá nồng nàn như cà phê Catimor cũng thuộc dòng Arabica.

Cà phê Moka với vị chua thanh thoát, hương thơm ngây ngất và hậu vị kéo dài được mệnh danh như vị nữ hoàng trong vương quốc cà phê vậy. Vì thế, cà phê Moka chính là sự lựa chọn hàng đầu của những người sành cà phê trên toàn thế giới.

Để thưởng thức được hương vị Moka nguyên thuỷ, bạn có thể tìm đến Yemen, vùng đất khởi nguyên của cà phê thế giới. Moka Yemen (hay “Yemen Mocha”) đã trở thành một thương hiệu địa phương nổi tiếng về cà phê, cả về mặt lịch sử lẫn thương mại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *